Cách rèn luyện kỹ năng tự học cho học sinh và sinh viên.
CÁCH RÈN LUYỆN KỸ NĂNG TỰ HỌC CẦN THIẾT CHO HỌC SINH VÀ SINH VIÊN
1. ĐẶT MỤC TIÊU RÕ RÀNG, CỤ THỂ
Làm bất kể điều gì, bạn cũng đều phải có mục tiêu và động lực sẵn sàng. Tự học mà không có mục tiêu sẽ nhanh chóng bị nản trí và bạn sẽ bị vô định trong cả biển kiến thức mênh mông mà không biết đích đến ở đâu.
Hãy đặt mục tiêu bằng những số liệu cụ thể, dễ hình dung. Ví dụ, khi bạn muốn tự học tiếng Anh, hãy đặt mục tiêu như mình có thể đạt được khoảng IELTS 6.5 chẳng hạn. Khi đó trong đầu bạn đã có hình ảnh rõ ràng, và lúc đấy bạn sẽ biết mình sẽ cần phải làm gì, chọn lọc những thông tin, nội dung, bài học như nào để có thể đạt được những mục tiêu đó.
2. PHÂN BỐ THỜI GIAN HỌC HỢP LÝ
Khi tự học, việc lên khung giờ học hợp lý là vô cùng quan trọng, bởi vì để tạo thói quen cố định cứ đến giờ đó là ta lại bắt tay vào học, cũng là để việc tự học của ta sẽ không ảnh hưởng tới các công việc khác của mình.
Ngoài ra, việc phân bố học vào thời gian thích hợp sẽ giúp não bộ ghi nhớ thông tin tốt hơn. Ví dụ như buổi sáng thích hợp để học thuộc lý thuyết nhất, buổi chiều đầu óc tỉnh táo thì sẽ làm mấy công việc liên quan đến tính toán, số học hiệu quả hơn.
3. LÊN KẾ HOẠCH HỌC TẬP
Hãy tự lập cho mình những kế hoạch nhỏ trước, những việc bạn có thể thực hiện, rồi đến những kế hoạch lớn.
4. ĐẶT CÂU HỎI VÀ PHẢN BIỆN
Đặt câu hỏi rồi tự đi tìm câu trả lời chính là một cách học chủ động, việc đó sẽ giúp bạn hiểu bài dễ dàng hơn. Thỉnh thoảng khi đặt một vấn đề, thay vì đồng tình với ý kiến đó, ta hãy thử đặt ngược lại vấn đề, nghĩ vấn đề đó theo hướng trái ngược, hoặc phản biện lại ý kiến đó.
Việc đặt câu hỏi và phản biện giúp não bộ của bạn hoạt động đến công suất tối đa, đồng thời giúp bạn đào sâu kiến thức và vấn đề đó hơn, ngoài ra cải thiện tư duy phản biện cũng như cái nhìn đa chiều của bạn nữa đấy.
5. SỬ DỤNG PHƯƠNG PHÁP GHI CHÉP KHOA HỌC
Việc ghi chép khi học kiến thức mới luôn là điều quan trọng, ghi chép cũng giúp ta ghi nhớ hiệu quả hơn.
Thay vì dùng những phương pháp ghi chép đơn thuần, hãy kết hợp những phương pháp ghi chép khoa học như Cornell hay sơ đồ tư duy. Để áp dụng cụ thể và dễ dàng hơn, hãy tham khảo bài viết này.
6. ÔN TẬP LẠI KIẾN THỨC CŨ THƯỜNG XUYÊN (xem lại ghi chú, flashcard…)
Tự học cũng phải có phương pháp, mày mò tìm hiểu nhiều nhưng nếu không xem lại kiến thức đó thì ta sẽ dễ để đống kiến thức đó bị trôi đi vào quên lãng.
Bạn nên tạo những ghi chú nhỏ, dán ở những nơi dễ thấy hoặc hay đi qua để tiện thể ôn luôn kiến thức, hoặc mua những tấm giấy nhỏ làm flashcard, hay lên mạng làm flashcard bằng Anki và Quizlet. Quan trọng là hãy tạo thói quen lưu và ôn lại kiến thức nhé.
7. TÌM KHÔNG GIAN HỌC PHÙ HỢP
Nếu không gian quá ồn ào và nhiều người nói chuyện, qua lại thì cực kì ảnh hưởng tới sự tập trung và tiến độ làm việc của chúng ta. Còn khi ở một không gian quá kín đáo và im ắng, thì khi ngồi lâu sẽ có thể gây nên sự bí bách.
Chọn một không gian phù hợp sẽ tùy từng sở thích của mọi người. Nhưng hiệu quả nhất hãy chọn nơi yên bình để học tập. Không quá ồn ào để dễ tập trung, nhưng không quá im lặng, để những tiếng động nhỏ của tự nhiên sẽ giúp bạn khơi gợi nhiều ý tưởng thú vị và độc đáo trong không gian riêng đó.
Ngoài ra, màu sắc tươi sáng cũng như tràn ngập ánh sáng cũng giúp việc học của bạn thuận lợi hơn.
8. TÌM CHO MÌNH MỘT NGƯỜI THẦY
Ai trong cuộc đời cũng nên có một người thầy, cô để dẫn dắt, thậm chí là Mentor (người hướng dẫn) cũng ổn.
Người thầy là người có nhiều kiến thức và kinh nghiệm trong lĩnh vực đó hơn bạn, họ sẽ giúp bạn tránh những sai lầm không đáng có, giúp bạn đưa ra những lựa chọn khôn ngoan hơn cũng như là một người đồng hành và người đáng tin cậy để có thể trò chuyện, giãi bày thoải mái về những bài học.
9. DẠY LẠI KIẾN THỨC CHO NGƯỜI KHÁC
Theo Learning pyramid (Kim tự tháp học tập), bạn sẽ có thể nhớ tới 90% kiến thức bạn đã học bằng việc dạy lại kiến thức đó cho người khác.
Bởi khi truyền lại thông tin cho ai đó, bạn đã phải tìm hiểu từ trước, ghi nhớ đến khắc cốt ghi tâm, bạn phải chịu trách nhiệm cho đống thông tin đó. Dạy lại cho người khác mà kiến thức đó lại sai thì sẽ tạo ra một lầm tưởng rất tai hại cho họ đấy.